Thông tin chi tiết về nội soi tiêu hóa bạn cần biết
Cố vấn chuyên môn: TS. BS ĐỖ ANH GIANG
- Giám đốc Phòng khám chuyên khoa nội Dr.Giang
- Nguyên PGĐ Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Bạch Mai
Nội soi tiêu hóa là một thủ thuật y khoa quan trọng, giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị hiệu quả các vấn đề ở đường tiêu hóa như viêm, loét, polyp, thậm chí cả ung thư. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn toàn bộ thông tin chi tiết về quy trình, lợi ích và những lưu ý cần biết khi thực hiện nội soi tiêu hóa. Cùng tìm hiểu ngay để chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa tốt nhất!
- 1. Thông tin chi tiết – Nội soi tiêu hóa là gì?
- 2. Tại sao cần nội soi tiêu hóa?
- 3. Nội soi tiêu hóa có thể phát hiện bệnh gì?
- 4. Có những cách tiến hành nội soi nào?
- 5. Nội soi tiêu hóa diễn ra như thế nào?
- 6. Lưu ý sau khi nội soi tiêu hóa
- 7. Rủi ro, biến chứng khi nội soi tiêu hóa
- 8. Kết quả nội soi tiêu hóa bất thường
- 9. Một số nhắc nhở, thông tin chi tiết dành cho bạn khi nội soi tiêu hóa
1. Thông tin chi tiết – Nội soi tiêu hóa là gì?
Nội soi tiêu hóa là thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa. Nội soi được sử dụng cho cả chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa, chẳng hạn như chảy máu, tắc, thủng, viêm, loét, polyp, ung thư.
Nội soi tiêu hóa bao gồm nội soi đường tiêu hóa trên và nội soi đường tiêu hóa dưới; được thực hiện bằng cách đưa một ống soi nhỏ, linh hoạt có gắn camera và đèn từ đường miệng hoặc hậu môn vào đường tiêu hóa.
Nội soi đường tiêu hóa trên đưa ống soi vào từ đường miệng để quan sát các tình trạng bệnh lý ở thực quản, dạ dày và tá tràng. Nội soi đường tiêu hóa dưới đưa ống soi vào từ đường hậu môn để quan sát các tình trạng bệnh lý ở đại tràng, trực tràng và manh tràng (đoạn cuối cùng của đại tràng).
Hiện nay nội soi đã ngày càng hiệu quả, cung cấp được hình ảnh rõ ràng chính xác hơn, tăng tính an toàn và giảm đi rất nhiều sự khó chịu cho bệnh nhân.
2. Tại sao cần nội soi tiêu hóa?
Nội soi tiêu hóa được chỉ định cho các mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh lý đường tiêu hóa và tầm soát ung thư.
Bác sĩ có thể chỉ định nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ như:
– Đau bụng
– Đau thượng vị
– Nôn, buồn nôn
– Nôn ra máu
– Khó nuốt
– Thường xuyên ợ nóng
– Thiếu máu không rõ nguyên nhân
Bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng – trực tràng nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ như:
– Đi tiêu ra máu
– Có nhầy máu trong phân
– Phân có màu đen, hắc ín
– Tiêu chảy, táo bón kéo dài
– Cảm giác mắc đi tiêu mặc dù ruột rỗng
– Thiếu máu không rõ nguyên nhân
Nội soi còn được sử dụng để điều trị các tình trạng như chảy máu, có dị vật, polyp, hẹp, tắc…, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật trong lúc nội soi. Nội soi để kiếm tra các bất thường phát hiện qua siêu âm, chụp X-quang, chụp CT hay MRI.
Nội soi cũng được thực hiện thường xuyên để theo dõi, kiểm tra các tình trạng trong quá trình điều trị, kiểm tra sau cắt polyp.
Với sự phát triển trong kỹ thuật nội soi tiêu hóa như nội soi màu, nội soi với dải tần ánh sáng hẹp, nội soi phóng to…, nội soi đã làm tăng tỷ lệ chẩn đoán ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm. Đây đều là những loại ung thư có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Do đó, nội soi có ý nghĩa rất quan trọng để bệnh nhân ung thư được điều trị sớm.
3. Nội soi tiêu hóa có thể phát hiện bệnh gì?
Nội soi tiêu hóa chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa trên như:
– Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
– Polyp thực quản
– Polyp dạ dày
– Viêm loét thực quản, dạ dày hoặc tá tràng
– Các tình trạng: hẹp, tắc, rách, thủng, chảy máu
– Bệnh celiac
– Rối loạn nuốt
– Ung thư thực quản, dạ dày hoặc tá tràng
Nội soi tiêu hóa chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa dưới như:
– Viêm loét đại trực tràng chảy máu
– Bệnh Crohn
– Các tình trạng: hẹp, tắc, rách, thủng, chảy máu
– Viêm túi thừa
– Polyp đại trực tràng
– Ung thư đại tràng, trực tràng
4. Có những cách tiến hành nội soi nào?
a. Nội soi tiêu hóa thường
Nội soi tiêu hóa thường được tiến hành khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Đây là loại nội soi được nhiều người lựa chọn do chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, nó có một số khuyết điểm:
– Do tính chất xâm lấn, nội soi tiêu hóa có thể gây đau cho bệnh nhân. Ở nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, ống soi được đưa vào từ đường miệng có thể gây buồn nôn, nôn, đau rát cổ họng. Ở nội soi đại trực tràng, ống soi được đưa vào từ hậu môn có thể gây đau đáng kể.
– Tăng nguy cơ rủi ro tổn thương chảy máu, thủng, rách do người bệnh cựa quậy, không hợp tác.
– Có khả năng bỏ sót tổn thương do người bệnh không hợp tác, do phản ứng co bóp dạ dày, phải kết thúc sớm quá trình nội soi.
– Nhiều người có thể bị ám ảnh sợ nội soi.
b. Nội soi tiêu hóa không đau
Nội soi tiêu hóa không đau được tiến hành khi người bệnh đang ngủ. Trước khi thực hiện nội soi, người bệnh sẽ được tiêm thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch. Loại nội soi này có chi phí cao hơn so với nội soi thông thường, nhưng bù lại, nó có một số ưu điểm:
– Không đau, thoải mái hơn vì người bệnh ngủ, khi tỉnh lại thậm chí còn không có cảm giác mình vừa nội soi.
– An toàn hơn và hiệu quả hơn, bác sĩ có thể tiến hành quá trình nội soi thuận lợi, dễ dàng hơn.
Trong một nghiên cứu ở bệnh nhân tăng huyết áp, so sánh giữa nội soi dạ dày thông thường và nội soi dạ dày không đau cho thấy huyết áp, nhịp tim và độ bão hòa oxy máu khi nội soi không đau ổn định hơn nhiều so với nội soi thường.
Ngoài ra, các phản ứng trong và sau khi nội soi không đau như buồn nôn, ho, khó nuốt, khó chịu cổ họng thấp hơn đáng kể so với nội soi thông thường.
Tuy nhiên, những người có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê sẽ không thể thực hiện loại nội soi này.
5. Nội soi tiêu hóa diễn ra như thế nào?
Nội soi đường tiêu hóa là thủ thuật thực hiện trong ngày. Quá trình nội soi thường chỉ mất 15-30 phút, nhưng quá trình chuẩn bị trước đó có thể mất đến 6-8 tiếng.
Bạn cần chủ động cung cấp cho bác sĩ các thông tin sau:
– Đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
– Các loại thuốc đang sử dụng, nhất là thuốc chống đông máu.
– Các bệnh lý hiện có, đặc biệt là bệnh tim phổi.
– Có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê.
Nếu nội soi không đau, bạn cần có người nhà đi cùng để đưa về. Bạn sẽ được tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch cánh tay. Sau khi tiêm thuốc bạn sẽ thiếp đi ngay và quá trình nội soi sẽ tiến hành ngay sau đó.
a. Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng
Bạn cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi nội soi dạ dày. Chỉ nên uống nước lọc và ngưng uống nước trước khi nội soi 2 tiếng. Bạn nên đi nội soi dạ dày vào buổi sáng sau khi đã nhịn ăn cả đêm.
Trước khi nội soi bạn sẽ được xịt thuốc tê vào cổ họng và ngậm dụng cụ bảo vệ hàm răng để ngăn khả năng bạn bị tổn thương răng khi cắn vào ống soi.
Bác sĩ sẽ đưa ống soi vào cơ thể từ đường miệng qua cổ họng, xuống thực quản đến dạ dày và cuối cùng là đến tá tràng. Camera ở đầu ống soi sẽ ghi lại hình ảnh và hiển thị trực tiếp trên màn hình theo thời gian thực.
Máy nội soi hiện đại sử dụng công nghệ dải tần ánh sáng hẹp (NBI) làm thay đổi bước sóng của ánh sáng, giúp làm rõ các dấu hiệu bất thường nhỏ như polyp phẳng. Kỹ thuật nội soi phóng to sẽ giúp quan sát tổn thương rõ nét hơn.
Trong quá trình này, có thể cần bơm không khí qua ống soi vào dạ dày để dễ quan sát.
Các thủ thuật khác như cắt polyp, lấy mẫu mô sinh thiết, gắp dị vật, đặt stent hay cầm máu sẽ được thực hiện cùng lúc.
b. Nội soi đại trực tràng
Nếu nội soi đại trực tràng, trong 1-3 ngày trước khi nội soi, bạn chỉ nên ăn nhẹ, uống nhiều nước nhưng không uống các loại nước có màu đỏ, tím.
Vào ngày nội soi, nhân viên y tế sẽ cung cấp cho bạn thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột. Sau khi uống thuốc, bạn sẽ bị tiêu chảy liên tục, do đó nên mặc trang phục rộng rãi thoải mái hoặc thay trang phục của phòng khám. Cần ít nhất 4-5 tiếng sau đó để có thể bắt đầu nội soi đại tràng.
Bác sĩ sẽ đưa ống soi vào cơ thể từ hậu môn, qua trực tràng, đi hết đại tràng và cuối cùng là đến manh tràng. Bác sĩ sẽ quan sát cẩn thận các tổn thương trong suốt quá trình đưa ống soi vào và rút ống soi ra.
Tương tự như trong nội soi dạ dày, các thủ thuật điều trị khác sẽ được thực hiện cùng lúc nếu cần thiết.
6. Lưu ý sau khi nội soi tiêu hóa
Nếu nội soi không đau, bạn cần ở lại phòng khám theo dõi ít nhất 30 phút. Bạn nên bắt taxi hoặc để người nhà chở về vì tác dụng phụ của thuốc gây mê có thể khiến bạn buồn ngủ cả ngày hôm đó.
Sau khi nội soi, bạn có thể hoạt động bình thường. Vài tiếng sau đó bạn có thể ăn uống bình thường nhưng nên hạn chế đồ uống có gas, rượu bia, thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ trong 24 giờ sau đó. Nếu làm các thủ thuật qua nội soi thì nên ăn thức ăn mềm, ít chất xơ, dễ tiêu hóa vài ngày sau đó. Hãy hỏi bác sĩ kỹ hơn về các lưu ý này.
Một số triệu chứng bạn có thể gặp phải sau khi nội soi là:
– Nội soi dạ dày: Bạn có thể bị khó chịu bụng, đầy bụng, đau rát họng nhẹ.
– Nội soi đại trực tràng: Bạn có thể bị đau bụng nhẹ, đầy bụng, chảy một ít máu nếu làm các thủ thuật.
Các triệu chứng này sẽ hết vào ngày hôm sau. Nếu chúng kéo dài không biến mất hoặc nghiêm trọng hơn hoặc bạn có các triệu chứng mới thì hãy đi tái khám. Ví dụ: sốt, chảy nhiều máu, đau bụng dữ dội, nôn, khó thở…
7. Rủi ro, biến chứng khi nội soi tiêu hóa
Ống soi rất nhỏ và trơn, sẽ dễ dàng đi vào đường tiêu hóa của bạn mà không gây tổn thương hay nghẹt thở. Một số rủi ro khi nội soi tiêu hóa là:
– Phản ứng với thuốc gây mê: Bạn cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử phản ứng với thuốc gây mê. Nếu xảy ra sốc phản vệ, bác sĩ sẽ có biện pháp xử trí ngay lập tức.
– Chảy máu, thủng, rách: Thường là do bệnh nhân phản ứng dữ dội, không hợp tác làm ống soi cọ xát gây tổn thương. Bạn nên nội soi gây mê nếu bạn bị sợ nội soi hoặc chịu đau kém.
– Nhiễm trùng.
Nhìn chung, nội soi tiêu hóa mà đặc biệt là phương pháp nội soi không đau rất an toàn. Các rủi ro và biến chứng trên là cực kỳ hiếm gặp.
8. Kết quả nội soi tiêu hóa bất thường
Kết quả nội soi tiêu hóa sẽ quyết định hướng điều trị sau đó của bạn. Bạn có thể cần thay đổi lối sống, điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
Nếu phát hiện các polyp bất thường có nguy cơ tiến triển thành ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngay. Nếu phát hiện tế bào bất thường, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô để làm xét nghiệm, kiểm tra xem đó có phải là ung thư hay không.
9. Một số nhắc nhở, thông tin chi tiết dành cho bạn khi nội soi tiêu hóa
– Nội soi tiêu hóa không phải là một thủ thuật đau đớn. Hầu hết mọi người chỉ cảm thấy khó chịu. Trong nội soi không đau, bạn thậm chí còn không cảm thấy gì sau khi nội soi xong.
– Nội soi dạ dày đi vào đường miệng nhưng sẽ không gây khó thở, bạn vẫn có thể thở bình thường trong suốt quá trình nội soi. Điều bạn cần làm là hãy thư giãn. Nếu không thể, hãy chọn nội soi không đau.
– Bạn sẽ được theo dõi các chỉ số như oxy, nhịp tim và huyết áp trong suốt quá trình nội soi.
– Cắt polyp hay sinh thiết không gây đau đớn, nhất là khi bạn nội soi không đau.
Đối với một số người, nội soi tiêu hóa có thể hơi đáng sợ. Nhưng đây là phương pháp cần thiết và hiệu quả để bạn được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Điều trị bệnh sớm là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng và kéo dài cuộc sống, nhất là các trường hợp ung thư đường tiêu hóa.
Nhờ tính hiệu quả và lợi ích của nội soi tiêu hóa, hiện nay nội soi được khuyến nghị để tầm soát ung thư ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào. Độ tuổi khuyến nghị tầm soát ung thư đường tiêu hóa là từ 40-45 tuổi trở đi hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ. Trên đây là những thông tin chi tiết về Nội soi tiêu hóa mà Phòng khám Nội soi Dr. Giang đã tổng hợp. Hãy tham khảo và đừng quên ưu tiên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm, bạn nhé!
Hotline: 0287 306 8668
Fanpage: https://www.facebook.com/phongkhamnoisoidrgiang
Website: https://noisoidrgiang.com/