Bệnh trĩ giai đoạn đầu: Nhận biết và phương pháp điều trị
Cố vấn chuyên môn: TS. BS ĐỖ ANH GIANG
- Giám đốc Phòng khám Nội soi - Tiêu hóa Dr.Giang
- Nguyên PGĐ Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh trĩ giai đoạn đầu là giai đoạn bệnh nhẹ nhất và cũng là thời điểm dễ điều trị nhất. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh trĩ ở giai đoạn này thường khó nhận biết vì chúng xảy ra ở mức độ nhẹ và không thường xuyên. Trung tâm Nội soi – Tiêu hoá Dr. Giang sẽ chia sẻ cách chữa trị bệnh trĩ ở giai đoạn đầu hiệu quả ngay sau đây.
- 1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ giai đoạn đầu
- 2. Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ giai đoạn đầu
- 3. Mức độ nguy hiểm của bệnh trĩ giai đoạn đầu nếu không được điều trị
- 4. Cách nhận biết bản thân có bị trĩ giai đoạn đầu hay không
- 5. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu
- 6. Phòng ngừa bệnh trĩ giai đoạn đầu tái phát
- 7. FAQ bệnh trĩ giai đoạn đầu
1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ giai đoạn đầu
Bệnh trĩ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như: táo bón, chế độ ăn uống thiếu chất xơ và nước, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, mang thai và sinh con.
– Táo bón:
Khi bị táo bón, người bệnh phải rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài, điều này tạo ra áp lực lớn lên các tĩnh mạch trực tràng, khiến chúng phồng lên và gây ra búi trĩ. Áp lực liên tục lên tĩnh mạch này, nếu không được xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng trĩ kéo dài và nặng hơn.
– Chế độ ăn uống thiếu chất xơ và nước:
Một chế độ ăn thiếu chất xơ và nước sẽ làm cho phân trở nên khô cứng, gây khó khăn khi đi tiêu. Việc uống không đủ nước cũng làm tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến nguy cơ mắc trĩ cao.
– Thói quen sinh hoạt không lành mạnh:
Ngồi lâu, ít vận động, và duy trì một lối sống ít hoạt động thể chất sẽ làm giảm lưu thông máu, đặc biệt là trong khu vực trực tràng và hậu môn. Khi máu không được lưu thông tốt, các tĩnh mạch ở khu vực này sẽ dễ bị phồng lên và gây ra búi trĩ. Những người làm việc văn phòng, tài xế lái xe đường dài, hay những người có thói quen ngồi nhiều đều có nguy cơ mắc trĩ cao hơn.
– Mang thai và sinh con:
Phụ nữ mang thai thường có nguy cơ mắc trĩ cao hơn do áp lực từ thai nhi lên các tĩnh mạch trực tràng. Ngoài ra, quá trình sinh con cũng đòi hỏi việc rặn mạnh, tạo ra áp lực lớn lên khu vực này, dễ dàng dẫn đến trĩ. Sau sinh, nếu không có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, tình trạng trĩ có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng bệnh trĩ thường gặp là:
– Ngứa ngáy và khó chịu vùng hậu môn:
Đây là triệu chứng phổ biến nhất, gây ra bởi sự kích thích và viêm nhiễm tại vùng hậu môn. Người bệnh có thể cảm thấy ngứa liên tục hoặc từng cơn.
– Xuất hiện các cục nhỏ, mềm tại vùng hậu môn:
Các búi trĩ bắt đầu hình thành, có thể cảm nhận được khi sờ vào khu vực này. Ban đầu, các cục này thường nhỏ và mềm, chưa gây ra nhiều khó chịu.
– Chảy máu khi đi đại tiện:
Máu thường xuất hiện dưới dạng vệt nhỏ trên giấy vệ sinh hoặc trong phân. Đây là dấu hiệu báo hiệu trĩ đang hình thành, cần được chú ý để tránh tình trạng nghiêm trọng hơn.
– Cảm giác đau rát khi đi vệ sinh:
Người bệnh thường cảm thấy đau và rát, đặc biệt là sau khi đi đại tiện. Cảm giác này có thể tăng lên nếu trĩ bị viêm nhiễm hoặc bị cọ xát nhiều.
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh trĩ giai đoạn đầu nếu không được điều trị
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trĩ giai đoạn đầu có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng:
– Tiến triển thành trĩ nặng hơn, gây đau đớn: các búi trĩ có thể phát triển lớn hơn, gây ra nhiều đau đớn và khó chịu hơn khi đi đại tiện, ngồi hoặc vận động
– Thiếu máu: chảy máu thường xuyên dẫn đến suy giảm hồng cầu, gây suy nhược cơ thể, kiệt sức và có thể phải truyền máu
– Trĩ sa nghẹt: khi búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn và không thể tụt lại vào trong, gây tắc các mạch máu, dẫn đến nguy cơ hoại tử búi trĩ
– Viêm loét, nhiễm trùng: viêm da xung quanh hậu môn, viêm nhú hoặc viêm khe gây ngứa, đau rát vùng hậu môn. Nhiễm trùng có thể xảy ra khi búi trĩ bị loét hoặc hoại tử, làm vết thương tiếp xúc với phân chứa nhiều vi khuẩn.
– Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: đau đớn và khó chịu liên tục có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, làm giảm hiệu suất làm việc và khả năng tham gia các hoạt động thường ngày
4. Cách nhận biết bản thân có bị trĩ giai đoạn đầu hay không
Để xác định liệu mình có đang mắc bệnh trĩ giai đoạn đầu hay không, cô bác, anh chị có thể thực hiện các cách sau:
– Quan sát triệu chứng điển hình:
Trĩ giai đoạn đầu thường có những triệu chứng rất rõ ràng mà cô bác, anh chị có thể tự quan sát. Các biểu hiện thường gặp bao gồm cảm giác ngứa ngáy và khó chịu ở vùng hậu môn, sự xuất hiện của các cục nhỏ mềm tại vùng hậu môn. Ngoài ra, khi đi đại tiện, cô bác, anh chị có thể thấy máu trong phân hoặc trên giấy vệ sinh. Cảm giác đau rát khi đi vệ sinh cũng là một dấu hiệu của bệnh trĩ giai đoạn đầu.
– Khám lâm sàng:
Để chắc chắn hơn về tình trạng sức khỏe của mình, cô bác, anh chị nên đến gặp bác sĩ để được khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp vùng hậu môn để xác định sự hiện diện của các búi trĩ. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về các triệu chứng đã gặp và tiền sử bệnh lý cá nhân sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác.
– Nội soi hậu môn:
Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi hậu môn để quan sát rõ ràng tình trạng bên trong hậu môn. Đây là phương pháp chẩn đoán hiệu quả, giúp phát hiện sớm và chính xác các vấn đề liên quan đến bệnh trĩ.
5. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu như sử dụng thuốc, các phương pháp y học không xâm lấn đến các biện pháp phẫu thuật và chăm sóc tại nhà.
5.1. Điều trị bằng thuốc
Bệnh trĩ ở giai đoạn đầu có thể đáp ứng bằng cách điều trị nội khoa. Trong đó sử dụng thuốc là phương án đơn giản nhưng vẫn mang lại kết quả tốt.
Các loại thuốc được chỉ định là:
– Thuốc chống viêm, giảm đau: các loại thuốc chống viêm, giảm đau như Diclofenac, Ibuprofen, Paracetamol,… được dùng để giảm các triệu chứng đau rát, khó chịu và sưng viêm ở niêm mạc hậu môn
– Thuốc bôi hydrocortisone: được bào chế dưới dạng mỡ để làm mềm và dịu vùng da ở hậu môn. Hydrocortisone còn có tác dụng giảm viêm, đau rát và khó chịu, nhưng không nên dùng quá 2 tuần
– Thuốc chứa rutin: thành phần rutin giúp làm bền thành mạch, tăng độ dẻo dai của tĩnh mạch hậu môn, giảm tình trạng thấm và hạn chế vỡ mạch. Thuốc giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh trĩ, đồng thời làm giảm phù nề và sung huyết ở tĩnh mạch
– Thuốc gây tê giảm đau dạng bôi: cơ trơn ở hậu môn có thể co thắt quá mức và gây đau. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc gây tê và giảm đau tại chỗ như Trimebutine, Medicone và Dibucaine,…
– Thuốc co mạch: các loại thuốc co mạch như Epinephrine, Phenylephrine và Norepinephrine có tác dụng thu nhỏ mạch máu và giảm kích thước búi trĩ theo thời gian. Thuốc này thường hiệu quả đối với bệnh trĩ giai đoạn mới khởi phát
– Thuốc bôi sát trùng: để ngăn ngừa viêm nhiễm, bạn có thể dùng một số loại thuốc bôi sát trùng chứa Zinc oxide, Boric acid, Oxyquinolone, Neomycin,…
5.2. Điều trị bằng phương pháp y học không xâm lấn
Đối với các trường hợp dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp sau để điều trị:
– Thắt búi trĩ bằng dây cao su:
Phương pháp này sử dụng dây cao su để thắt búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính và làm búi trĩ hoại tử sau 3 – 4 ngày. Thường áp dụng cho trĩ nội độ 1 và 2. Nhược điểm là gây đau đớn, khó chịu và ít được sử dụng.
– Cắt trĩ bằng laser:
Sử dụng tia laser để loại bỏ búi trĩ nhanh chóng và không gây đau đớn. Tuy nhiên, phương pháp này dễ để lại sẹo, thời gian hồi phục lâu và có nguy cơ tái phát nếu không chăm sóc cẩn thận.
– Chích xơ búi trĩ:
Tiêm loại thuốc đặc biệt vào gốc búi trĩ để giảm lưu lượng máu, giúp giảm chảy máu. Thường dùng cho trĩ độ 1 và 2, đặc biệt là người mắc bệnh đông máu hoặc suy giảm miễn dịch. Phương pháp này tuy hiệu quả nhưng dễ gây đau đớn và đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao để tránh biến chứng.
– Quang đông hồng ngoại:
Kết hợp quang đông và tia hồng ngoại để làm mô búi trĩ bị đông lại và tạo sẹo xơ, giảm lượng máu lưu thông đến búi trĩ và cố định búi trĩ vào ống hậu môn. Ưu điểm là an toàn và cầm máu tốt, nhưng hiệu quả không cao và chi phí cao.
5.3. Điều trị bằng phẫu thuật
Trường hợp mắc bệnh trĩ ở độ 3, 4, trĩ hỗn hợp, trĩ vòng hoặc có kèm theo biến chứng nghiêm trọng như sa nghẹt búi trĩ, tắc mạch, nhiễm khuẩn, hoại tử,… bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt búi trĩ.
– Phương pháp Longo:
Phương pháp Longo dựa trên nguyên lý giúp kéo búi trĩ trở về vị trí ban đầu, đồng thời làm co nhỏ búi trĩ. Bác sĩ sử dụng máy khâu đặc biệt để cắt khoanh niêm mạc trên đường lược và khâu vòng bằng máy bấm khâu tự động. Phương pháp này ít đau, bệnh nhân sớm hồi phục nhưng có tỷ lệ tái phát cao và chi phí không thấp.
– Phương pháp Milligan – Morgan:
Là phương pháp truyền thống, không đòi hỏi trình độ bác sĩ quá cao và có thể áp dụng cho mọi loại trĩ. Bác sĩ sẽ cắt bỏ từng búi trĩ một cách từ từ và khâu lại những mảnh niêm mạc da nằm giữa các búi trĩ. Tuy nhiên, phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao và dễ gây tổn thương, nhiễm trùng hậu môn nếu không chăm sóc đúng cách.
– Phương pháp PPH:
Phương pháp này thường áp dụng cho trĩ nội độ 3, 4 hoặc trĩ vòng. Sử dụng máy khâu nối tự động để cắt gốc mạch của búi trĩ và khâu lại búi trĩ. Phương pháp PPH mang lại hiệu quả cao, ít ảnh hưởng đến cơ vòng hậu môn, thời gian thực hiện nhanh chóng và hạn chế đau đớn, tổn thương.
– Phương pháp HCPT:
Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT sử dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, không can thiệp dao kéo. Sử dụng sóng điện từ để đông và thắt nút mạch máu, sau đó cắt tận gốc búi trĩ bằng dao điện. Phương pháp này không gây đau đớn, ít chảy máu và đảm bảo thẩm mỹ vùng cắt búi trĩ. Thường áp dụng cho trĩ ngoại nặng và yêu cầu thực hiện tại các cơ sở uy tín.
5.4. Các biện pháp điều trị tại nhà
Bệnh trĩ có thể được kiểm soát và giảm nhẹ tại nhà bằng những biện pháp đơn giản và tự nhiên.
– Ngâm hậu môn trong nước ấm: ngâm hậu môn trong nước ấm giúp giảm sưng, đau và kích ứng bằng cách co các tĩnh mạch quanh vùng hậu môn. Để thực hiện, đổ nước ấm vào chậu, có thể thêm chút muối tinh, rồi ngồi ngâm khoảng 15 – 20 phút, 3 lần mỗi ngày. Kiên trì thực hiện sẽ thấy hiệu quả giảm đau rõ rệt
– Xơ mướp: nướng xơ mướp già, loại bỏ hạt, rồi sắc với lá sâm. Uống nước sắc 3 lần mỗi ngày
– Rau má: xay nhuyễn 100g rau má tươi với nước sôi để nguội, chắt lấy nước cốt uống trong ngày
– Rau muống: giã nát nắm rau muống đã rửa sạch, ngâm nước muối. Bọc rau đã giã trong khăn vải, đắp lên hậu môn 30 phút, rửa sạch bằng nước ấm. Thực hiện 3 lần mỗi tuần trong 6 tháng
– Lá diếp cá: nấu 1 nắm rau diếp cá với muối hội trong 10 phút, xông hậu môn khoảng 15 phút. Duy trì từ 2 – 3 tháng để thấy hiệu quả
– Lá thiên lý: giã nhuyễn lá thiên lý với muối, thêm 30ml nước ấm, khuấy đều và chắt bỏ nước cốt. Đắp phần bã lên khu vực bị trĩ khoảng 20 phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm
6. Phòng ngừa bệnh trĩ giai đoạn đầu tái phát
Để ngăn ngừa bệnh trĩ tái phát ở giai đoạn đầu, cần thực hiện một số biện pháp đơn giản và hiệu quả.
– Tăng cường bổ sung chất xơ từ rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt vào khẩu phần ăn hàng ngày. Chất xơ giúp cải thiện quá trình tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón – một trong những nguyên nhân chính gây trĩ
– Đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày (khoảng 2 – 2.5 lít) để duy trì độ ẩm cho cơ thể, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru và giảm nguy cơ táo bón
– Thường xuyên vận động với các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn và tăng cường sức khỏe tổng thể
– Hạn chế thời gian ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ để giảm áp lực lên vùng hậu môn. Nếu công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, hãy đứng dậy đi lại vài phút sau mỗi giờ làm việc
– Tránh rặn mạnh khi đại tiện để không tạo áp lực lên tĩnh mạch trực tràng. Sử dụng ghế kê chân khi ngồi bồn cầu để tạo góc nghiêng tự nhiên, giúp quá trình đại tiện dễ dàng hơn
7. FAQ bệnh trĩ giai đoạn đầu
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh trĩ giai đoạn đầu.
7.1. Bệnh trĩ giai đoạn đầu có tự khỏi không?
Bệnh trĩ giai đoạn đầu có thể tự khỏi nếu người bệnh duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ, uống đủ nước và thực hiện các biện pháp phòng ngừa táo bón. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng hơn.
7.2. Bao lâu thì khỏi bệnh trĩ giai đoạn đầu nếu điều trị đúng cách?
Nếu điều trị đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh, bệnh trĩ có thể cải thiện rõ rệt sau vài tuần. Thời gian để khỏi bệnh trĩ giai đoạn đầu phụ thuộc vào việc tuân thủ các biện pháp điều trị và chăm sóc.
7.3. Có cần phẫu thuật không nếu bị bệnh trĩ giai đoạn đầu?
Bệnh trĩ giai đoạn đầu không cần phẫu thuật. Các biện pháp điều trị không xâm lấn như dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống thường sẽ kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh. Phẫu thuật chỉ được xem xét khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Bệnh trĩ giai đoạn đầu có thể kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm và tuân thủ các biện pháp điều trị đúng cách. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh trĩ, đừng ngần ngại liên hệ với Trung tâm Nội soi – Tiêu hoá Dr. Giang để được tư vấn và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống hàng ngày.
1. Bệnh trĩ giai đoạn đầu nhận biết thế nào? Có tự khỏi không?
https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/benh-tri-giai-doan-dau-nhan-biet-the-nao-co-tu-khoi-khong.html
2. Bệnh trĩ giai đoạn đầu: Biểu hiện và cách chữa
https://youmed.vn/tin-tuc/benh-tri-giai-doan-dau/
3. Hình ảnh bệnh trĩ ngoại, nội các giai đoạn từ độ nhẹ đến nặng
https://rsuppersahabatan.co.id/medical/home.html?hinh-anh-benh-tri
4. Dấu hiệu bệnh trĩ nhẹ (giai đoạn đầu) và cách chữa
https://thuocdantoc.vn/benh/benh-tri-nhe