Bệnh trĩ khi mang thai và phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả
Cố vấn chuyên môn: TS. BS ĐỖ ANH GIANG
- Giám đốc Trung tâm Nội soi - Tiêu hóa Dr.Giang
- Nguyên PGĐ Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh trĩ khi mang thai là tình trạng thường gặp ở tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ). Tình trạng này khiến mẹ bầu đại tiện khó khăn đau nhức, dễ bị stress ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. Tham khảo ngay các phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả được Trung tâm nội soi – tiêu hoá Dr.Giang chia sẻ trong bài viết dưới đây.
- 1. Trĩ khi mang thai là gì?
- 2. Lý do khiến mẹ bầu dễ mắc bệnh trĩ
- 3. Mẹ bầu thường bị trĩ vào giai đoạn nào của thai kỳ?
- 4. Dấu hiệu bị trĩ khi mang thai
- 5. Phân loại trĩ khi mang thai
- 6. Phụ nữ khi mang thai bị trĩ có nguy hiểm không?
- 7. 3 phương pháp điều trị bệnh trĩ khi mang thai an toàn, hiệu quả
- 8. Bị trĩ khi mang thai khi nào cần phẫu thuật?
- 9. Các biện pháp phòng ngừa bị trĩ khi mang thai
- 10. Câu hỏi thường gặp
1. Trĩ khi mang thai là gì?
Trĩ là tình trạng tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng bị sưng thường xuất hiện khi phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ. Lúc này, thai nhi lớn dần tử cung mở rộng gây áp lực lên tĩnh mạch. Kết hợp với việc mẹ bầu táo bón do nóng trong khi uống sữa bầu và canxi, sắt càng khiến cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Bệnh thường xuất hiện sau khi đại tiện, gây ra đau nhức và ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu.
2. Lý do khiến mẹ bầu dễ mắc bệnh trĩ
Theo các bác sĩ, có một số nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ khi mang thai như sau:
- Thay đổi nội tiết tố: Nồng độ progesterone tăng lên trong thai kỳ làm cho các tĩnh mạch giãn ra và dễ bị sưng hơn.
- Thai nhi phát triển: Khi thai nhi lớn hơn, tử cung mở rộng tạo áp lực phần xương chậu, ảnh hưởng đến tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng khiến chúng sưng và đau nhức.
- Táo bón: Táo bón có thể khiến việc đi đại tiện trở nên khó khăn hơn, dẫn đến căng thẳng và sưng tấy ở các tĩnh mạch.
- Thể tích máu tăng: Khi mang thai, thể tích máu có thể tăng lên gây ra giãn tĩnh mạch, hình thành nên trĩ hậu môn và trực tràng.
- Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài: Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn.
3. Mẹ bầu thường bị trĩ vào giai đoạn nào của thai kỳ?
Mẹ bầu thường bị trĩ vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là ở giai đoạn cuối của thai kỳ.
- 3 tháng giữa: Thai nhi đã tương đối phát triển gây áp lực tới vùng xương chậu và hậu môn. Nếu chế độ ăn không đủ chất xơ và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày có thể gây ra tình trạng táo bón. Từ đó dẫn đến bệnh trĩ.
- 3 tháng cuối: Trĩ ở giai đoạn này khá phổ biến do tử cung mở rộng tạo áp lực lên tĩnh mạch hậu môn làm chúng bị sưng tấy hình thành nên búi trĩ.
4. Dấu hiệu bị trĩ khi mang thai
Mẹ bầu khi mang thai bị bệnh trĩ sẽ có những triệu chứng điển hình sau:
- Đau rát, sưng tấy, xuất hiện cục u mềm thừa ra ở hậu môn, đặc biệt là sau khi đi đại tiện.
- Xuất hiện máu trên giấy vệ sinh hặc bồn cầu sau khi đi đại tiện. Khi bệnh mới hình thành, máu không xuất hiện hoặc ít có thể khiến người bệnh chủ quan không đi khám. Chỉ đến khi bệnh tình nghiêm trọng hơn, máu chảy nhiều sẽ gây đau đớn nhiều.
- Ngứa rát hậu môn càng gia tăng khi bước vào trĩ cấp độ 3 và 4.
5. Phân loại trĩ khi mang thai
Có 2 loại trĩ phổ biến khi mang thai đó là trĩ nội và trĩ ngoại. Mỗi loại trĩ lại có đặc điểm và triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
5.1. Trĩ nội khi mang thai
Trĩ nội là tình trạng sưng tĩnh mạch bên trong trực tràng. Loại trĩ này thường không gây đau đớn nhưng gây chảy máu khi đi đại tiện. Ngoài ra, bệnh còn gây ra các triệu chứng khác như ngứa, khó chịu vùng hậu môn, mất kiểm soát đại tiện.
Gợi ý một số cách điều trị trĩ nội khi mang thai:
- Thay đổi lối sống, bổ sung chất xơ từ rau củ quả, uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, hạn chế đồ ăn cay nóng và rượu bia.
- Sử dụng viên thuốc đặt hoặc bôi để giảm đau và co búi trĩ.
- Áp dụng một số biện pháp dân gian như sử dụng rau diếp cá, cây lược vàng, cây thầu dầu tía…
5.2. Trĩ ngoại khi mang thai
Là tình trạng sưng tĩnh mạch bên ngoài hậu môn gây ra đau ngứa, sưng tấy khi đứng hoặc ngồi quá lâu, khó khăn khi đại tiện, đôi khi chảy máu. Cách điều trị trĩ ngoại khi mang thai có thể là một số giải pháp tạm thời như:
- Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước.
- Vận động cơ thể hàng ngày, tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
- Chườm đá lạnh để giảm bớt cơn đau nhức.
- Sử dụng thuốc bôi để co búi trĩ, giảm đau.
Thường thì phương pháp phẫu thuật không được khuyến khích khi mang thai. Chúng chỉ được áp dụng khi được bác sĩ chỉ định, trong trường hợp các phương pháp điều trị trên không hiệu quả.
6. Phụ nữ khi mang thai bị trĩ có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ ở giai đoạn đầu tuy không nguy hiểm tới sức khoẻ của mẹ bầu và thai nhi nhưng ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất. Triệu chứng của bệnh trĩ khiến mẹ bầu đau nhức, khó chịu, căng thẳng.
Nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể tiến triển thành các bệnh lý nặng hơn như tắc mạch, viêm loét, nhiễm trùng.
7. 3 phương pháp điều trị bệnh trĩ khi mang thai an toàn, hiệu quả
Theo Tiến sĩ, bác sĩ nội soi tiêu hoá Đỗ Anh Giang (Giám đốc Trung tâm Nội soi – Tiêu hoá Dr.Giang), có 3 cách để điều trị trĩ khi mang thai đó là dùng các biện pháp tự nhiên, thay đổi chế độ sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như viên thuốc đặt, kem bôi hoặc can thiệp y tế trong trường hợp bệnh nặng (có chỉ định của bác sĩ)
7.1. Điều trị trĩ không dùng thuốc
Điều trị trĩ không dùng thuốc là giải pháp tạm thời giúp giảm bớt bệnh tình nhưng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mẹ bầu và thai nhi.
- Ngâm hậu môn vào nước muối ưu trương ấm. Pha nước muối theo công thức 100g muối với 3 lít nước ấm. Ngâm hậu môn cứ 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút.
- Bọc nước đá muối vào khăn sạch rồi chườm trực tiếp vào hậu môn 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.
- Chú ý vệ sinh sạch sẽ hậu môn mỗi lần đi đại tiện.
- Thay đổi lối sống, ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều khoai lang, thanh long, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn cay nóng.
- Bổ sung thêm 1 – 2 hộp sữa chua sau mỗi bữa ăn chính.
- Dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, nên vận động đi lại thay đổi tư thế sau mỗi 30 – 60 phút.
7.2. Sử dụng thuốc bôi
Việc sử dụng thuốc điều trị trĩ cho mẹ bầu cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý mua thuốc và sử dụng có thể gây hại cho thai nhi.
Hiện nay, có một số loại kem hoặc thuốc mỡ co búi trĩ, giảm đau có thành phần từ thảo dược, an toàn với thai phụ. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
7.3. Phẫu thuật
Đây là giải pháp không được khuyến khích cho mẹ bầu do tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và biến chứng như nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc tê, khó cầm máu…. Chỉ khi bệnh tình tiến triển nặng, có chỉ định của bác sĩ mới có thể thực hiện.
Thông thường, trĩ sẽ tự thuyên giảm trong vòng 1 tháng sau khi sinh. Theo thống kê, khoảng 70 – 80% bà bầu sẽ tự khỏi trĩ sau khi sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào một số yếu tố như:
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh, nếu bệnh nặng, trĩ có thể giảm sau khi sinh nhưng không khỏi hoàn toàn.
- Sinh thường có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch vùng hậu môn khiến bệnh trĩ nghiêm trọng hơn.
- Mẹ bầu có cơ địa táo bón từ trước khi mang thai có thể trĩ sẽ không thuyên giảm sau khi sinh nếu không có chế độ ăn uống khoa học.
8. Bị trĩ khi mang thai khi nào cần phẫu thuật?
Phẫu thuật trĩ khi mang thai cần được thăm khám cẩn thận và có sự chỉ định của bác sĩ. Một số dấu hiệu cho thấy đi khám bác sĩ ngay như:
- Trĩ chảy máu nhiều, gây đau đớn dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của mẹ bầu.
- Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn và không thể tự co lại, gây khó chịu, vướng víu và ảnh hưởng đến việc đi đại tiện.
- Tắc mạch búi trĩ gây đau nhức dữ dội, sưng tấy, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
9. Các biện pháp phòng ngừa bị trĩ khi mang thai
Để ngăn ngừa trĩ xuất hiện và tiến triển nặng hơn, mẹ bầu có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Hạn chế để táo bón bằng cách thường xuyên ăn rau củ quả, đặc biệt là khoai lang, thanh long, rau lang, các loại ngũ cốc như hạnh nhân, óc chó, lúa mạch. Bổ sung đủ nước cho cơ thể và đi đại tiện ngay khi có dấu hiệu.
- Vận động đi lại thường xuyên, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu. Các bác sĩ khuyến nghị mẹ bầu nên thay đổi tư thế trong 30 – 60 phút/lần.
- Tránh xách đồ nặng để không tạo áp lực lên vùng xương chậu.
- Kiểm soát cân nặng khi mang bầu, tránh để tăng cân quá nhiều sẽ tạo áp lực lên trực tràng gây ra bệnh trĩ.
Các thực phẩm mẹ bầu nên ăn để ngăn ngừa trĩ
- Các loại rau như mùng tơi, diếp cá, rau đay, khoai lang, cà chua, ớt chuông, cà rốt, bông cải xanh sẽ giúp đi đại tiện dễ dàng hơn, hạn chế táo bón, giảm nguy cơ mắc trĩ.
- Các loại quả như cam, quýt, bưởi, dâu tây, việt quất, mâm xôi, chuối, bơ, táo.
- Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám.
- Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn probiotic giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ bầu.
- Sữa tươi hoặc sữa bầu là nguồn cung cấp canxi, protein và vitamin D dồi dào, tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Các thực phẩm mẹ bầu không nên ăn
- Các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp sẽ gây ra nóng trong, táo bón khiến búi trĩ sưng to hơn.
- Không nên ăn nhiều tinh bột trắng, đồ ăn nhiều đường, chất béo vì có thể làm tăng cân mất kiểm soát gây ra bệnh trĩ.
- Hạn chế đồ uống có cồn, đồ uống có ga, chất kích thích như nước soda, rượu bia, cà phê.
10. Câu hỏi thường gặp
Liên quan đến bệnh lý trĩ khi mang thai, dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và giải đáp chi tiết:
10.1. Mẹ bầu bị trĩ có thể sinh thường không?
Mẹ bầu khi bị trĩ vẫn có thể sinh thường được nếu sức khoẻ đảm bảo. Chỉ trong trường hợp búi trĩ to, gây chảy máu nhiều, ảnh hưởng đến quá trình sinh thường bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ búi trĩ.
10.2. Sau khi sinh trĩ có tự khỏi không?
Trĩ có thể tự khỏi sau khi sinh nếu mang thai là nguyên nhân gây ra bệnh hay còn gọi là trĩ triệu chứng, trĩ sinh lý. Có đến 80% thai phụ khỏi hẳn trĩ sau khi sinh 1 tháng. Lúc này, nồng độ progesterone giảm xuống, không còn áp lực đè lên vùng xương chậu và hậu môn nên trĩ sẽ tự hỏi.
10.3. Khi mang thai bị trĩ có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Bệnh trĩ không ảnh hưởng đến thai nhi do bệnh chỉ xảy ra ở vùng hậu môn và trực tràng, không liên quan đến bộ phận sinh dục, tử cung hay dạ con.
Trên đây là phân tích các nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh trĩ khi mang thai cho mẹ bầu. Nếu gặp dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng. Mời bạn đón đọc những bài viết tiếp theo của Trung tâm nội soi – tiêu hoá Dr.Giang để biết thêm nhiều thông tin hữu ích.
1. Bị trĩ khi mang thai nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?
https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/bi-tri-khi-mang-thai-nguy-hiem-khong-co-can-phau-thuat-khong.html
2. Phụ nữ mang thai mắc trĩ ảnh hưởng gì tới việc sinh con?
https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-mang-thai-mac-tri-anh-huong-gi-toi-viec-sinh-con-169240207013248305.htm
3. Vì sao các mẹ bầu hay bị trĩ
https://benhvienphusanhanoi.vn/kien-thuc-y-khoa/vi-sao-cac-me-bau-hay-bi-tri-52110.html
4. Bị trĩ khi mang thai có nguy hiểm?
https://vnexpress.net/bi-tri-khi-mang-thai-co-nguy-hiem-4676757.html
5. Bệnh trĩ – nỗi đau khổ của mẹ bầu
https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/benh-tri-noi-dau-kho-cua-me-bau/