Nội soi dạ dày có đau không? Câu trả lời chi tiết từ bác sĩ
Cố vấn chuyên môn: TS. BS ĐỖ ANH GIANG
- Giám đốc Trung tâm Nội soi - Tiêu hóa Dr.Giang
- Nguyên PGĐ Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Bạch Mai
“Xin chào bác sĩ! Gần đây tôi có các triệu chứng như đau thượng vị, ợ chua, trào ngược axit. Được biết phương pháp nội soi dạ dày giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh lý hiện tại. Tuy nhiên, khi tìm hiểu quy trình thực hiện tôi khá băn khoăn không biết nội soi dạ dày có đau không? Và có giải pháp nào để giảm đau cho người bệnh không? Rất mong bác sĩ giải đáp.” (Thanh Tùng – 30 tuổi – Hà Nội)
Trả lời: Chào Thanh Tùng! Lời đầu tiên, Trung tâm Nội soi – Tiêu hóa Dr.Giang rất cảm ơn bạn đã quan tâm tới dịch vụ và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Để trả lời câu hỏi của bạn chính xác nhất, chúng tôi đã mời tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Anh Giang (PGĐ Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
1. Nội soi dạ dày là gì? Tại sao cần nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày (nội soi bao tử) là thủ thuật y tế sử dụng một ống soi mềm có đường kính ngoài từ 5,8 – 9,8 mm và chiều dài từ 1.000 – 1.350mm, đầu gắn camera và đèn LED ở đầu để quan sát bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng.
Ống soi được đưa vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi, sau đó di chuyển xuống cổ họng, qua thực quản và vào dạ dày. Hình ảnh bên trong đường tiêu hóa được truyền trực tiếp đến màn hình để bác sĩ quan quan sát nhằm chẩn đoán chính xác để lên phác đồ điều trị phù hợp.
Tại sao cần nội soi dạ dày?
- Phát hiện và chẩn đoán chính xác các bệnh lý tiêu hoá như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, polyp…
- Tầm soát các dấu hiệu ung thư dạ dày thông qua việc lấy mẫu mô để xét nghiệm sinh thiết.
- Tiến hành đồng thời giữa khám và điều trị như cắt polyp, cầm máu…
2. Nội soi dạ dày có đau không?
Nội soi dạ dày không đau nhưng có thể gây cảm giác khó chịu, buồn nôn khi ống soi đi qua họng. Trước khi nội soi, bệnh nhân sẽ được gây tê nhanh bằng Xylocain hoặc Lidocain tại vị trí mũi hoặc miệng nội soi. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua mũi, đi xuống họng. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn, khó chịu nhưng bác sĩ sẽ hướng dẫn cách thở và nuốt nước bọt để giảm bớt khó chịu. Sau khi nội soi, người bệnh sẽ cảm thấy hơi đau họng nhưng cảm giác này sẽ hết sau vài ngày.
Mức độ khó chịu khi nội soi dạ dày có thể tăng giảm tuỳ vào một số yếu tố dưới đây:
- Nội soi qua đường mũi thường ít gây buồn nôn hơn nội soi qua đường miệng. Tuy nhiên, có thể gây khó chịu ở bên trong mũi và xoang.
- Những người có phản xạ nôn mạnh sẽ có triệu chứng buồn nôn nhiều hơn khi nội soi qua đường miệng.
3. Các phương pháp giảm đau trong nội soi dạ dày
Tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Anh Giang cho biết: “Để giảm bớt khó chịu cho người bệnh, chúng tôi thường khuyên bệnh nhân lựa chọn nội soi dạ dày qua đường mũi hoặc nội soi gây mê, nội soi bằng viên nang. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn nghỉ ngơi và lưu ý sinh hoạt trong 1-3 ngày đầu tại nhà để cơ thể dễ chịu hơn.”
3.1. Lựa chọn nội soi dạ dày qua đường mũi
Nội soi dạ dày bằng đường mũi sẽ giảm bớt khó chịu cho người bệnh trong quá trình nội soi do ống luồn đi qua mũi do ít gây kích thích phản xạ nôn. Đồng thời, nội soi qua mũi sử dụng ống soi nhỏ hơn, bệnh nhân có thể thở bình thường trong suốt quá trình thực hiện.
Tiêu chí | Nội soi qua đường miệng | Nội soi qua đường mũi |
Cảm giác khó chịu | Có thể gây buồn nôn, nôn ói khi ống soi được đưa qua họng. | Ít gây buồn nôn hơn nhưng có thể gây cảm giác khó chịu ở mũi và xoang. |
Mức độ đau | Đau vừa phải | Rất nhẹ hoặc không đau |
Thời gian thực hiện | Nhanh hơn (khoảng 5-10 phút) | Chậm hơn (khoảng 10-15 phút) |
Phục hồi | Nhanh chóng | Nhanh chóng |
Phù hợp với | Hầu hết mọi người | Những người có phản xạ nôn mạnh, lo lắng hoặc sợ hãi, hoặc những người có các bệnh lý về tim mạch, hô hấp. |
3.2. Dùng thuốc giảm đau
Bác sĩ trước khi thực hiện sẽ tiến hành gây tê nhanh bằng Xylocain hoặc Lidocain bên lỗ mũi, miệng nội soi. Thuốc sẽ được xịt vào mũi hoặc cổ họng giúp gây tê tạm thời giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
3.3. Lựa chọn nội soi gây mê hoặc nội soi bằng viên nang
Bác sĩ Đỗ Anh Giang cho biết: “Nội soi dạ dày gây mê hoặc sử dụng viên nang là 2 phương pháp giúp loại bỏ hoàn toàn đau đớn, khó chịu cho người bệnh được nhiều khách hàng tại trung tâm nội soi tiêu hoá Dr.Giang lựa chọn. Đồng thời, 2 phương pháp này cũng được áp dụng phổ biến tại các bệnh viện công”.
- Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp sử dụng thuốc gây mê để giúp bệnh nhân ngủ thiếp đi trong quá trình nội soi dạ dày, giúp giảm thiểu cảm giác khó chịu và đau đớn.
- Nội soi bằng viên nang là một kỹ thuật y tế sử dụng viên nang nhỏ có chứa camera để chụp ảnh bên trong ống tiêu hóa (bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già) của người bệnh. Viên nang này được nuốt giống như viên thuốc thông thường và di chuyển qua hệ tiêu hóa theo cách tự nhiên, ghi lại hình ảnh trong suốt quá trình di chuyển.
Tuấn Vũ (34 tuổi, Bắc Ninh): “ khi được bác sĩ đề nghị nội soi bằng viên nang, tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc nội soi, tôi thấy đây là lựa chọn đúng đắn. Suốt quá trình thực hiện tôi không cảm thấy đau đớn hay khó chịu nào. Viên nang di chuyển qua hệ tiêu hóa trong khoảng 8-12 giờ, ghi lại toàn bộ hình ảnh bên trong đường ruột của tôi.”
3.4. Chế độ sinh hoạt tại nhà
Sau khi hoàn thành nội soi, người bệnh trở về nhà cần tuân thủ một số lưu ý dưới đây để giảm bớt khó chịu, đau đớn:
- Nghỉ ngơi từ 1-2 tiếng tại bệnh viện, đặc biệt với nội soi gây mê, người bệnh sẽ tỉnh sau 15 phút kết thúc nội soi. Cần chờ tỉnh táo hoàn toàn rồi mới ra về.
- Hạn chế nói nhiều và nói to trong 1-3 ngày đầu để tránh tổn thương niêm mạc họng, amidan gây đau, khó chịu.
- Trong trường hợp nội soi can thiệp (cắt polyp, sinh thiết, cầm máu) thì cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tránh hoạt động mạnh.
- Không nên khạc nhổ, ho mạnh.
- Với nội soi gây mê, bệnh nhân được phép ăn sau khi tỉnh táo hoàn toàn. Với nội soi thường, có thể ăn uống ngay sau khi kết thúc nội soi. Các thực phẩm nên ăn như cháo, súp, các món ninh nhừ.
4. Lời khuyên từ các chuyên gia
Theo tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Anh Giang: “Người bệnh nên tìm hiểu rõ về quy trình nội soi sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng và cảm thấy tự tin hơn. Đồng thời, biết trước những khó chịu có thể xuất hiện khi nội soi để hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình thực hiện. Trong trường hợp lo sợ quá mức, hãy nhờ bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp nội soi gây mê.”
Chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, Hà Nội): “Trước khi nội soi, tôi rất lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ giải thích kỹ về quy trình và nghe những chia sẻ từ các bệnh nhân khác, tôi đã cảm thấy an tâm hơn nhiều. Khi thực hiện nội soi, tôi cảm thấy hơi khó chịu một chút, nhưng không đến đau quá mức. Sau khi nội soi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng vì đã vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân”
Anh Trần Văn Minh (42 tuổi, TP. Hồ Chí Minh): “Tôi từng nội soi dạ dày hai lần và cả hai lần đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, do tôi mắc hội chứng phản xạ nôn quá mức nên đã lựa chọn nội soi gây mê. Sau khi nội soi, tôi tỉnh dậy nhanh chóng và không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.”
5. Câu hỏi thường gặp về mức độ đau khi nội soi dạ dày
Liên quan đến vấn đề nội soi dạ dày có đau không, chúng tôi còn nhận được rất nhiều câu hỏi khác của bệnh nhân. Và dưới đây là giải đáp chi tiết từ bác sĩ Đỗ Anh Giang:
5.1. Nội soi dạ dày gây mê có an toàn không?
Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp an toàn và được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện công và tư tại Việt Nam. Theo đó, thuốc gây mê sử dụng trong nội soi đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt và được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Liều lượng thuốc được điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro hiếm gặp như dị ứng, hạ huyết áp, buồn nôn, mẩn đỏ, khó thở… Vì vậy, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh lý, dị ứng thuốc, làm một số xét nghiệm để đánh giá chức năng tim mạch, hô hấp. Điều này sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh cũng như tính hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị.
5.2. Nội soi gây mê bao lâu thì tỉnh?
Thời gian tỉnh sau khi nội soi gây mê thường dao động từ 15 đến 30 phút. Ở giai đoạn hồi tỉnh, bệnh nhân dần tỉnh và có thể nhận thức được hoạt động xung quanh. Với một số người bệnh, họ cảm thấy buồn nôn, chóng mặt nhưng cảm giác này sẽ giảm dầu sau 1-2 tiếng.
Ở giai đoạn phục hồi, người bệnh sẽ tỉnh táo hoàn toàn và được đo huyết áp,nhịp tim, nhịp thở… Nếu các chỉ số đều ổn định, bệnh nhân sẽ được phép xuất viện.
5.3. Nên chọn phương pháp nội soi nào để giảm đau tối đa?
Để giảm đau tối đa, bạn nên chọn nội soi gây mê hoặc nội soi bằng viên nang. Hai phương pháp này đều không gây bất kỳ đau đớn, khó chịu nào cho người bệnh.
Nội soi đường mũi chỉ giúp giảm bớt khó chịu nhưng vẫn có thể gây đau bên trong mũi, đau vùng xoang, ngứa họng, chảy nước mũi sau khi nội soi.
5.4. Cảm giác sau khi nội soi như thế nào và có cần chăm sóc đặc biệt không?
Sau khi nội soi, người bệnh có thể cảm thấy đau họng, khó chịu vùng mũi, buồn nôn, nôn, chướng bụng nhẹ… Hầu hết các triệu chứng này sẽ tự khỏi sau 2-3 tiếng.
Để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn và giảm bớt cảm giác khó chịu, bạn nên:
- Uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải thuốc gây mê và làm giảm cảm giác đau rát họng.
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh thức ăn cay nóng, đồ uống có gas, rượu bia sau khi nội soi.
- Ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi sau quá trình nội soi.
- Tránh vận động mạnh trong 2-3 ngày đầu sau khi nội soi.
- Theo dõi và tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ.
Trên đây là những giải đáp chi tiết cho câu hỏi nội soi dạ dày có đau không và những vấn đề liên quan. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với Trung tâm nội soi, tiêu hoá Dr.Giang để được bác sĩ tư vấn cụ thể.